Vì sao chủ đầu tư “né” gạch không nung trong nước?
Gạch không nung trên thị trường Việt Nam có nhiều loại, bao gồm bê tông khí chưng áp, bê tông bọt khí và xi măng cốt liệu, nhưng nhà sản xuất cũng chưa đưa ra được
Thời hạn sử dụng gạch không nung theo lộ trình tại Thông tư 09/2012/TT-BXD sắp hết.
Tâm lý sử dụng gạch truyền thống vẫn rất phổ biến
Theo đó, sau năm 2015, các công trình từ 9 tầng trở lên phải xây bằng 50% vật liệu xây không nung trở lên (tính theo thể tích khối xây). Tuy nhiên, liệu quy định này có thực hiện một cách triệt để hay không cần nhìn nhận nhiều vấn đề từ thực tế.
Ngay sau khi Thông tư 09 được ban hành, Bộ Xây dựng cũng đã áp mức dự toán cho công trình sử dụng vật liệu xây không nung. Mặc dù vậy, đại đa số các chủ đầu tư cho rằng, cách áp dự toán cho công trình này thiếu tính thực tế. Chẳng hạn, chi phí hệ số nhân công cho công trình sử dụng gạch không nung là 3,5/7 so với định mức thông thường. Nhưng để thi công gạch không nung, người thợ không thể một tay bê cả hòn gạch to (có những loại gạch bằng 4 – 8 lần viên gạch đỏ), mà ít nhất phải có 2 người, rồi nhiều loại phải có con vít để cố định viên gạch, sau khi xây xong còn phải tháo vít…
Tính ra, nhân công còn tốn hơn cả xây gạch đỏ. Chưa kể, khi thi công với gạch đỏ chỉ cần dùng dao xây chặt nhẹ, viên gạch vỡ đôi để khớp nối giữa các viên gạch, to nhỏ tùy ý, xử lý linh động, còn gạch xây không nung phải dùng máy cắt.
Định mức dự toán thiếu hợp lý, trong khi chi phí thực tế không được chấp nhận, khiến chủ đầu tư khi sử dụng gạch không nung phải “cắt xén, vá víu”. Theo tính toán, việc đưa gạch không nung vào tiết kiệm được từ 10 – 25% tổng mức dự toán công trình, nhưng các chủ đầu tư cho rằng, đây là cách tính hết sức khiên cưỡng.
Gạch không nung trên thị trường Việt Nam có nhiều loại, bao gồm bê tông khí chưng áp, bê tông bọt khí và xi măng cốt liệu, nhưng nhà sản xuất cũng chưa đưa ra được khuyến cáo cụ thể loại gạch nào dùng cho công trình nào, dùng xây vách ngăn hay tường chính, tường rào…
Chính vì thế, một số công trình dùng gạch không nung ở Bến Tre đã bị nứt tường. Khi gặp sự cố, tỉnh Bế Tre đã có văn bản xin được “hoãn” dùng gạch không nung với lý do “chưa quen sử dụng”. Sự cố này sau đó được xác định là do dùng gạch không đúng quy cách, chứ không phải gạch không đạt chất lượng.
Trong khi đó, nhiều công trình nhà dân tại miền Bắc khi dùng gạch không nung vào lúc trời nồm là nhà cứ “đổ mồ hôi” như tắm.
Dù vậy, cũng đã có một số chủ đầu tư chủ động dùng gạch không nung trong các công trình của mình để làm tăng giá trị của sản phẩm, như Dự án Ecopark (Hưng Yên).
Ông Đào Ngọc Thanh, Tổng giám đốc Vihajico, chủ đầu tư Dự án Ecopark cho biết: “Chúng tôi thuê những công ty hàng đầu khu vực châu Á trong quá trình triển khai dự án, từ tư vấn, thiết kế đến xây dựng, nên việc sử dụng vật liệu thân thiện môi trường là ý định ngay từ đầu, không cần bắt buộc thì Ecopark vẫn dùng”.
Tại phía Nam, tỷ lệ sử dụng gạch không nung được dùng nhiều hơn so với phía Bắc, chẳng hạn như Sealink Mũi Né (Phan Thiết) của Tập đoàn Rạng Đông, được sử dụng gạch không nung do chính nhà máy là thành viên của Tập đoàn sản xuất.
Nhiều chủ đầu tư bất động sản như Phúc Khang cũng hướng đến việc xây dựng những đô thị xanh, nên việc dùng gạch không nung như một tiêu chí “ghi điểm”. Hơn nữa, lãnh đạo các sở xây dựng tại khu vực phía Nam đã tổ chức hội nghị liên kết vùng để đưa gạch không nung vào các công trình.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM cho biết: “Công trình nào không sử dụng vật liệu không nung theo quy định thì Sở sẽ không cấp phép xây dựng”.
Biện pháp hành chính này được xem là khá hiệu quả, nhưng nếu không có chế tài đủ mạnh, thì chủ đầu tư vẫn tìm cách né được.
Ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) nêu quan điểm: “Về cơ bản vẫn là khuyến khích sử dụng gạch không nung để mọi người cùng thấy được cái lợi. Bên cạnh việc khuyến khích, cũng có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, khi đó mới đưa chương trình sử dụng vật liệu xây không nung mà Chính phủ phê duyệt vào quỹ đạo”.
Leave a Reply